Sách Thoái hoá cột sống và Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Chia sẻ bài viết:
Share on facebook
Share on twitter
Share on google
Mục lục

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ không phải là một bệnh lí hiếm gặp. Hiện nay, đa số chúng ta đã không còn ngạc nhiên khi nói đến căn bệnh này chứ cách đây khoảng 15 năm, do những khó khăn nhất định, đặc biệt là khả năng chẩn đoán của ngành y tế nước ta lúc đó còn hạn chế, nên chúng ta ít nghe nói đến bệnh này.

Thoát vị đĩa đệm ở cột sống cổ tỏ ra nguy hiểm hơn nhiều so với ở thắt lưng vì ở vùng này tủy sống có nhiều trung tâm quan trọng. Giống như ở thắt lưng, không phải thoát vị đĩa đệm cột sống cổ nào cũng gây ra bệnh. Điều kiện đầu tiên để khối thoát vị của đĩa đệm cột sống cổ có thể gây ra bệnh là phải có hẹp ống sống cổ. Ống sống cổ chỉ cần hẹp tương đối, nếu không có khối thoát vị thì vẫn còn đủ chỗ cho tủy sống và các rễ thần kinh nên không có triệu chứng gì cả, khi có khối thoát vị, tủy sống hoặc rễ thần kinh bị chèn ép gây ra bệnh. Còn khi ống sống rộng đủ chỗ cho cả tủy sống, các rễ thần kinh cùng với khối thoát vị chung sống hòa hoãn với nhau thì ta được “yên thân”.

Biểu hiện của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Biểu hiện của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường được chia thành ba nhóm: nhóm bệnh lí rễ, nhóm bệnh lí tủy và nhóm vừa có biểu hiện của bệnh lí rễ, vừa có biểu hiện của bệnh lí tủy.

Ở nhóm bệnh lí rễ, biểu hiện nổi bật thường là đau và tê. Đau cổ gáy, thường lan ra vai và xuống tay, làm hạn chế vận động của tay khi đưa ra sau (gãi sau lưng) hoặc lên cao (chải đầu). Đôi khi đau lan ra cả một vùng da đầu. Thông thường đau nhức nhối, khó chịu nhưng đôi khi đau biểu hiện giống như mỏi, mơ hồ và không rõ ràng. Ở nước ta, rất nhiều người bệnh có biểu hiện đau ở một bên thành ngực hoặc ở vùng cột sống giữa hai bả vai, dấu hiệu này ít có ở Âu Mỹ. Tê thường hay thấy ở vùng cẳng tay, bàn tay và các ngón tay, tăng lên sau khi làm việc nhiều hoặc lái xe gắn máy. Nếu các ngón tay bị tê, người bệnh sẽ có cảm giác khác lạ khi cầm nắm các đồ vật thường dùng. Một số người bệnh thấy hiện tượng “cứng” các khớp ngón tay khi nắm tay lại. Hầu hết đều có yếu cơ nhưng ít khi người bệnh nhận biết được, chỉ đến khi yếu nhiều, không còn cầm nắm chắc, viết, cầm đũa hoặc gài nút áo khó khăn thì mới nhận ra. Khi bệnh nặng có thể có teo một số cơ ở tay.

Ở nhóm bệnh lí tủy, biểu hiện nổi bật thường là tê và yếu liệt. Tê thường bắt đầu ở vùng thân mình, đặc biệt ở vùng bụng trước, sau đó là hai chân và hai tay. Chân thường yếu trước hai tay làm cho người bệnh hay bị rớt dép hoặc dễ vấp ngã. Khi yếu nhiều, có thể thấy các thớ cơ rung lên mỗi khi đụng vào hoặc gắng sức. Khi bệnh nặng, người bệnh đi lại khó khăn, hai tay cũng không còn làm việc bình thường được nữa, tiểu khó và thường bị táo bón, hay cảm thấy thiếu hơi hoặc khó thở.

Những người thuộc nhóm “rễ – tủy” vừa có biểu hiện của bệnh lí rễ, đồng thời vẫn có biểu hiện của bệnh lí tủy.

Hình ảnh tiêu bản cho thấy khối thoát vị đĩa đệm chèn ép vào tủy sống cổ

Phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Các phương pháp chữa bệnh được chia thành hai nhóm: bảo tồn (điều trị nội khoa) và can thiệp ngoại khoa.
Điều trị bảo tồn gồm việc dùng thuốc và vật lí trị liệu thường có hiệu quả khi người bệnh chỉ có đau hoặc tê trong bệnh lí rễ và hầu như không có hiệu quả đối với những người bệnh có biểu hiện của bệnh lí tủy. Kéo cột sống cổ là một phương pháp khá hiệu quả nhưng đòi hỏi người bệnh phải kiên trì. Xoa nắn (chiropatic) bởi các chuyên gia thực thụ (chứ không phải trong các tiệm massage) và các bài tập cũng mang lại hiệu quả khá khả quan. Các phương pháp khác như từ trường, ion, chiếu tia hồng ngoại, điện phân… cũng có những kết quả nhất định.

Khi người bệnh đã có teo cơ hoặc có biểu hiện của bệnh lí tủy, điều trị ngoại khoa cần được xét đến.

Giống như ở bệnh lí thoát vị đĩa đệm thắt lưng, các lí thuyết hàn lâm đều không đồng ý sử dụng các phương pháp giảm áp đĩa đệm bằng laser hoặc sóng radio cao tần. Ngay cả các tác giả đề xuất ra các phương pháp nêu trên cũng cho rằng việc giảm áp đĩa đệm trong giai đoạn này là chống chỉ định.

Lấy đĩa đệm thông qua một cây kim xuyên qua da được kiểm soát dưới XQuang cũng được một vài bác sĩ ưa chuộng tuy không mang lại kết quả mĩ mãn cho người bệnh. Các phương pháp phẫu thuật nội soi dành cho thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hiện nay vẫn chưa đạt được sự hoàn hảo cần thiết tuy kết quả có khá hơn những phương pháp nêu trên.

Mổ vi phẫu thuật (mổ hở có sử dụng kính hiển vi phẫu thuật) là biện pháp triệt để và hiệu quả nhất mặc dù vẫn còn một số khó khăn nhất định. Xét về một mặt nào đó, mổ là một cuộc đánh đổi giữa việc hết bệnh và việc nhận lấy một nguy cơ có thể xảy ra các biến chứng cũng như các ảnh hưởng về sau của cuộc mổ. Trong trường hợp của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vì tính chất nguy hiểm của nó, thường thì người bệnh sẽ lời trong cuộc đánh đổi này, xấu lắm thì cũng huề, chỉ một số rất ít trường hợp là bị lỗ.

Giống như ở cột sống thắt lưng, tập luyện thể thao, sống trong một môi trường trong sạch, thường xuyên vận động, tránh ngồi lì một chỗ và đừng để cho mình trở thành béo phì sẽ giúp cho Quí Vị tránh được căn bệnh này.

Bạn bị đau cột sống?

Liên hệ ngay với chúng tôi để điều trị kịp thời!

hotline: (028) 38 570 670