Sách Thoái hoá cột sống và Thoát vị đĩa đệm

Điều trị Thoát vị đĩa đệm thắt lưng bằng mổ hở

Chia sẻ bài viết:
Share on facebook
Share on twitter
Share on google
Mục lục

Trong cả trăm năm qua, mổ hở luôn được coi là phương pháp cuối cùng để chữa bệnh thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Hiện nay, với sự phát triển của nội soi, tại một số nước tiên tiến, phạm vi của mổ hở đang bị thu hẹp dần dần, nhường chỗ cho nội soi.

Mục đích của cuộc mổ là lấy đi khối thoát vị để không còn gì chèn ép vào rễ thần kinh của Quí Vị, từ đó Quí Vị hết đau, hết tê, hết yếu, và có thể thoái mái, vui vẻ trở lại với cuộc sống thường nhật.

Để làm cho Quí Vị khỏi phải chịu đau khi mổ, có 2 phương pháp vô cảm (làm cho người bệnh không còn cảm giác đau) phổ biến hiện nay là gây tê tủy sống và gây mê. Do sự phổ biến của các loại thuốc mê thế hệ mới mà hiện nay gây mê trở nên an toàn và tiện lợi ngang bằng hoặc thậm chí hơn so với gây tê tủy sống.

Để đi đến được nơi khối thoát vị của đĩa đệm chèn vào rễ thần kinh, một phần cơ thể không bị bệnh của Quí Vị phải bị cắt và banh ra. Có rất nhiều nghiên cứu, rất nhiều phương pháp, rất nhiều dụng cụ được phát minh cũng chỉ nhằm một mục đích làm giảm việc cắt đi cái phần cơ thể không bị bệnh đó của Quí Vị. Người ta gọi các kĩ thuật chỉ cần cắt rất ít đó là các kĩ thuật ít xâm lấn. Trong mổ hở, vi phẫu thuật có độ xâm lấn ít nhất, tất nhiên cũng còn tùy vào người áp dụng nó.

Một phần không bị bệnh của cơ thể phải bị cắt đi, banh ra để đi đến được nơi có khối thoát vị

Đối với các thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng, mổ từ phía trước hay phía sau tùy thuộc vào quan điểm và khả năng của bác sĩ mổ. Hiện nay, hầu hết các bác sĩ trên thế giới đều chọn mổ từ phía sau. Khi tới được nơi có khối thoát vị, bác sĩ sẽ phải tách các rễ thần kinh ra để thấy và lấy cho được khối thoát vị và toàn bộ nhân nhầy thoái hóa, một số trường hợp còn cần phải cắt đi các chồi xương chèn vào rễ thần kinh.

Khi mổ, bác sĩ sẽ lấy đi khối thoát vị của đĩa đệm, đó là các mảnh vỡ của đĩa đệm thoát vị hoặc phần nhân nhầy đã phá rách vòng xơ chui ra ngoài. Đa số các bác sĩ chủ trương lấy toàn bộ phần nhân nhầy còn lại nằm trong bao xơ để tránh tái phát. Trong một số trường hợp, các bác sĩ phải lấy một phần bao xơ khi chúng bị rách đứt nhiều quá, bản thân chúng cũng tạo thành một khối chèn ép. Phần nhân nhầy lấy đi sẽ mất luôn, hai mặt của bao xơ sẽ dính vào nhau và chúng ta sẽ bị lùn xuống vài li. Mặc dù vậy, cột sống vùng mổ vẫn có thể xoay, cúi ngửa được, chỉ có một chức năng bị mất đi là khả năng phân tán lực tác động lên cột sống, một chức năng cực kì quan trọng của nhân nhầy.

Cũng có một số bác sĩ chủ trương thay đĩa đệm cho các trường hợp thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Đĩa đệm được thay thường là một đĩa đệm có khớp, có thể xoay, cúi ngửa được và không có khả năng phân tán lực tác động lên cột sống. Tuy nhiên đây là một việc không có ý nghĩa nhiều lắm. Nếu mổ như vừa mô tả ở trên, cột sống vẫn có thể cử động, ngay các đốt sống khu vực mổ vẫn có thể cử động, việc giảm chiều cao của khoang đĩa đệm thắt lưng xuống vài li không gây ra bất cứ tác hại nào. Thế thì việc gì mà phải thay đĩa đệm cử động được. Việc thay đĩa đệm cột sống thắt lưng chỉ thực sự có ý nghĩa khi mổ các trường hợp mất vững do vỡ sụn đĩa đệm và khớp sau vẫn còn nguyên vẹn, một chỉ định tương đối hiếm gặp.

Hiện nay người ta đang nghiên cứu cách thức chế tạo ra một nhân nhầy nhân tạo để có thể thay cho nhân nhầy thật, tuy nhiên việc này vẫn đang được thử nghiệm mặc dù đã có nơi này nơi kia tuyên bố là thay nhân nhầy, thậm chí đã có hãng chào mời nhân nhầy nhân tạo với giá cắt cổ ở các nước thứ ba mặc dù khi hỏi đến các chứng chỉ tiêu chuẩn FDA (của Mỹ) hay CE (Châu Âu) đều ú ớ, chỉ trình ra vài chứng chỉ tiêu chuẩn kiểu TC…China mà thôi.

Thời gian mổ cho một đĩa đệm thoát vị có thể kéo dài từ 30 phút đến 3 – 4 giờ. Thời gian nhanh hay chậm là tùy vào khả năng, tính cách của từng bác sĩ, tùy vào trang thiết bị của phòng mổ và mức độ khó khăn của từng cuộc mổ. Thời gian mổ lâu hay mau không quan trọng bằng kết quả sau mổ. Tuy nhiên, nếu mổ lâu quá thì lượng thuốc mê Quí Vị hít vào sẽ nhiều hơn và khả năng xảy ra biến chứng, đặc biệt là nhiễm trùng, cũng cao hơn.

Xu hướng hiện nay trên thế giới là phải vận động sớm sau mổ, như vậy mới tăng cường được sự lưu thông của máu huyết, vết mổ mau lành hơn và người bệnh có thể tập phục hồi chức năng sớm, từ đó có thể trở lại với công việc nhanh hơn. Việc vận động sớm cũng giúp Quí Vị tránh được việc các rễ thần kinh bị dính và gây đau sau này, một trong những biến chứng đáng sợ của mổ hở.

Đa số các bác sĩ chủ trương dùng thêm nẹp ngoài trong những ngày đầu sau mổ thoát vị đĩa đệm. Nếu chỉ mổ thoát vị đĩa đệm đơn thuần, chỉ cần mang nẹp ngoài khoảng 3 tuần là đủ. Nếu mang lâu quá cơ không vận động và co cứng, lại gây đau, mỏi.

Mổ chỉ là một phần trong toàn bộ quá trình chữa bệnh. Quí Vị chớ vội tin rằng mình đã khỏe mạnh hoàn toàn khi thấy mình đã hết đau sau khi mổ. Tập vật lí trị liệu phục hồi chức năng sau mổ là một bước không thể thiếu. Thường thì 3 đến 6 tháng sau mổ Quí Vị mới có thể bình phục hoàn toàn nhưng sau 3 – 4 tuần là Quí Vị có thể đi làm trở lại tuy vẫn còn phải kiêng cử và tiếp tục chữa bệnh.

Bạn bị đau cột sống?

Liên hệ ngay với chúng tôi để điều trị kịp thời!

hotline: (028) 38 570 670