Sách Thoái hoá cột sống và Thoát vị đĩa đệm

Thông tin cần biết về phẫu thuật nội soi cột sống cho thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Chia sẻ bài viết:
Share on facebook
Share on twitter
Share on google
Mục lục

Phẫu thuật nội soi cột sống là một kĩ thuật tiên tiến và có rất nhiều ưu điểm do tính chất xâm lấn tối thiểu của nó. Về mặt hiệu quả, nó thường cho kết quả tốt hơn so với phương pháp mổ hở (có hoặc không sử dụng kính vi phẫu) thông thường. Ngoài ra, đây là một phương pháp mổ triệt để, lấy toàn bộ thương tổn chứ không chỉ giải quyết một phần thương tổn như các phương pháp giảm áp đĩa đĩa bằng laser qua da hoặc sóng radio cao tần qua da. Tỉ lệ kết quả tốt được các tác giả báo cáo dao động từ 92 đến 98%.

Các ưu điểm của Phẫu thuật nội soi cột sống có thể tóm lược như sau:

  • Đường mổ nhỏ, mức độ xâm lấn tối thiểu, sau mổ rất ít đau.
  • Không phải gây mê, chỉ gây tê. Hạn chế các biến chứng có thể có do thuốc mê gây ra.
  • Do là kĩ thuật xâm lấn tối thiểu, khả năng xảy ra biến chứng rất thấp.
  • Người bệnh có thể trực tiếp theo dõi quá trình mổ cho mình, có thể trao đổi trực tiếp với phẫu thuật viên trong quá trình mổ.
  • Sau mổ vài giờ đã có thể đi lại được, có thể xuất viện trong 24 giờ sau mổ.
  • Sẹo mổ rất nhỏ, tính thẩm mĩ cao, không ảnh hưởng tâm lí.
  • Do là phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu nên nội soi cột sống có thể áp dụng để mổ thoát vị đĩa đệm cho những người đang có những bệnh mãn tính như suy thận, bướu độc tuyến giáp…

Mô tả quá trình mổ và lưu ý sau mổ

Có 2 kĩ thuật mổ nội soi cột sống cho vùng lưng, thắt lưng, đó là mổ đường bên (TF – TransForaminal – qua lỗ liên hợp) và đường sau (IL – InterLaminal – qua vùng liên bản sống).

Nếu mổ đường bên, người bệnh được đặt nằm sấp trên bàn mổ, sau đó mới tiến hành gây tê tại những chỗ sẽ tiến hành cuộc mổ. Nếu mổ đường sau, người bệnh được gây tê ngoài màng cứng trước, sau đó mới được đặt nằm sấp trên bàn mổ. Một đường rạch da dài 7mm được rạch trên cơ thể người bệnh, sau đó, một ống nội soi nhỏ được đưa vào đến nơi có khối thoát vị. Toàn bộ khối thoát vị và nhân đệm xơ hoá được lấy đi, các chèn ép được loại bỏ. Các dụng cụ được lấy ra, vết mổ được băng lại (không cần phải khâu).

Trong khi tiến hành bộc lộ khối thoát vị, các rễ thần kinh được vén qua lại, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau. Cảnh báo đau của người bệnh giúp cho bác sĩ nhận biết nguy cơ để tránh xâm hại thần kinh, đặc biệt đối với trường hợp mổ đường bên.

Toàn bộ quá trình kéo dài khoảng 20 – 40 phút. Sau khi mổ xong khoảng 2 giờ người bệnh đã có thể đứng dậy và đi lại, tuy nhiên, người bệnh cần nằm nghỉ nhiều trong 24 giờ đầu sau mổ. Ngoài ra, người bệnh không nên leo cầu thang, không nên đi xe gắn máy và không nên sinh hoạt tình dục trong 1 tuần đầu sau mổ.

Các biến chứng có thể xảy ra

Như tất cả các phương pháp điều trị khác, Phẫu thuật nội soi cột sống cũng có một tỉ lệ nhất định những ca không thành công hoặc biến chứng.

Không thành công được hiểu rằng không đạt được kết quả như mong đợi bao gồm không hết các triệu chứng hoặc các triệu chứng có giảm nhưng không nhiều đến mức mong đợi. Tỉ lệ không thành công chỉ từ 2% đến 8% trong tất cả các báo cáo.

Những tai biến trong Phẫu thuật nội soi cột sống rất ít được báo cáo, tổng số các tai biến ghi nhận được ở mức dưới 1%. Tai biến được nói đến nhiều nhất trong thực tế là rách màng cứng dẫn đến dò dịch não tủy và làm cho rễ thần kinh thoát ra gây đau kéo dài.

Các tai biến sau đây có thể xảy ra khi mổ nội soi cột sống:

  • Dị ứng với thuốc tê và các thuốc khác sử dụng trong khi phẫu thuật. Các phản ứng có thể từ nhẹ như nổi mẩn, đỏ da cho đến nôn ói, chóng mặt hoặc co thắt khí quản gây khó thở… Tỉ lệ các biến chứng này rất thấp, với các loại thuốc đời mới, tỉ lệ khoảng 0,1% (một phần ngàn).
  • Trường hợp choáng phản vệ do phản ứng với các thuốc trên có thể dẫn đến chết người, tỉ lệ chung về choáng phản vệ cho các loại thuốc tê này cũng chỉ dưới 0,1% (một phần ngàn)
  • Thương tổn mạch máu là một tai biến có thể có nhưng trên thực tế chưa có ai báo cáo về tai biến này. Các thương tổn mạch máu có thể gây chảy máu khó cầm và có thể phải mổ lại hoặc nếu các mạch máu lớn bị thương tổn có thể gây chết người. Chưa có báo cáo nào về loại tai biến này mặc dù về lí thuyết nó vẫn có thể xảy ra.
  • Thương tổn màng tủy là biến chứng được nhắc đến nhiều nhất trong các biến chứng của Phẫu thuật nội soi cột sống. Khi bị biến chứng này, màng tủy bị rách và dịch não tủy có thể bị chảy ra. Đôi khi rễ thần kinh cũng bị thoát ra khỏi bao gây cho người bệnh cảm giác đau. Tỉ lệ của biến chứng này khoảng 0,5% (nửa phần trăm).
  • Thương tổn dây thần kinh: đây là một tai biến rất hiếm gặp nhưng về lí thuyết thì nó vẫn có thể xảy ra. Hiện nay rất ít tác giả báo cáo về tai biến này nên tỉ lệ thực sự hiện chưa có.
  • Nhiễm trùng vết mổ là một tai biến hay gặp khi mổ xẻ. Do Phẫu thuật nội soi cột sống là một kĩ thuật xâm lấn tối thiểu nên khả năng xảy ra nhiễm trùng thấp hơn, tại Hoa kì, tỉ lệ này khoảng 0,3% (ba phần ngàn).
  • Sẹo xơ dính vùng mổ: đây là biến chứng lâu dài đáng sợ trong các trường hợp mổ hở nhưng rất hiếm gặp trong Phẫu thuật nội soi cột sống, thường chỉ có sau khi bị nhiễm trùng, tỉ lệ chính xác chưa có nhưng chắc chắn phải thấp hơn tỉ lệ nhiễm trùng.
Tóm lại, Phẫu thuật nội soi cột sống là một phương pháp có tỉ lệ thành công rất cao, tỉ lệ tai biến thấp nhất trong các kĩ thuật điều trị phẫu thuật cho bệnh lí thoát vị đĩa đệm thắt lưng.

Bạn bị đau cột sống?

Liên hệ ngay với chúng tôi để điều trị kịp thời!

hotline: (028) 38 570 670