Trang chủ » Thông tin cần biết về phẫu thuật điều trị bệnh lí thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Sách Thoái hoá cột sống và Thoát vị đĩa đệm
Mục lục
- (028) 38 570 670
Thóat vị đĩa đệm cột sống cổ là một bệnh lí được điều trị phẫu thuật từ rất lâu cả ở trong nước và nước ngòai. Đối với các trường hợp chỉ có dấu hiệu của chèn ép rễ, kết quả mổ thường rất khả quan, tỉ lệ kết quả tốt được các tác giả báo cáo dao động từ 86 đến 90%. Đối với các trường hợp có biểu hiện của chèn ép tủy, tỉ lệ kết quả tốt thấp hơn nhưng cũng khá cao, khỏang 80 đến 85% tùy theo tác giả.
Trong hầu hết các trường hợp có biểu hiện chèn ép tủy, việc điều trị phẫu thuật mang tính chất quyết định, giúp ngăn ngừa những thương tổn thần kinh vĩnh viễn gần như chắc chắn sẽ xảy ra (nếu không mổ). Đối với các trường hợp chỉ có dấu hiệu của chèn ép rễ, khi đã được chỉ định mổ có nghĩa là cuộc mổ đó rất cần thiết nếu muốn chữa hết bệnh.
Mô tả quá trình mổ và các lưu ý
Người bệnh cần phải nhịn ăn ít nhất 6 giờ trước khi mổ. Trong đa số trường hợp, người bệnh cần được thụt tháo trước khi mổ.
Người bệnh được gây mê toàn thân và đặt nằm ngửa trên bàn mổ. Da được rạch một đường khoảng 4-6cm ở phía trước cổ, các cơ được bóc tách, các mạch máu và dây thần kinh cùng với khí quản, thực quản được tách ra để tạo một con đường đi đến đĩa đệm bị bệnh. Với sự giúp sức của kính hiển vi phẫu thuật, toàn bộ đĩa đệm bị bệnh cùng khối thoát vị được lấy ra, giải ép tuỷ và các rễ thần kinh.
Đến đây, có hai kĩ thuật được áp dụng: hàn xương (sử dụng mảnh ghép để hàn 2 đốt sống kế cận lại với nhau) hoặc thay đĩa đệm toàn phần (dùng đĩa đệm nhân tạo có khớp, có thể xoay được). Nếu hàn xương thì phẫu thuật viên sẽ đặt mảnh ghép vào khoảng giữa các thân sống và sau đó sẽ dùng nẹp và vít cố định các đốt sống được ghép cùng với mảnh ghép lại với nhau. Nếu thay đĩa đệm thì một đĩa đệm nhân tạo (có khớp, có thể xoay được) được ghép vào khoảng giữa các thân sống.
Sau đó, vết mổ được đóng lại. Nếu hàn xương, người bệnh sẽ phải mang nẹp cổ liên tục trong khoảng 3 tuần đầu sau mổ. Sau khi tỉnh thuốc mê khoảng 2-3 giờ, người bệnh có thể ngồi dậy và đi lại được nhưng do tính chất nguy hiểm của biến chứng chảy máu sau mổ, người bệnh thường được lưu lại phòng hậu phẫu 24 giờ để theo dõi sát và kịp thời xử trí nếu có biến chứng xảy ra.
Các biến chứng có thể xảy ra
Giống như tất cả các quá trình điều trị khác, điều trị phẫu thuật bệnh lí thóat vị đĩa đệm cột sống cổ cũng có một tỉ lệ nhất định những ca không thành công hoặc biến chứng.
Không thành công được hiểu rằng không đạt được kết quả như mong đợi kiểu như các triệu chứng không giảm hoặc có giảm nhưng không nhiều đến mức mong đợi. Tỉ lệ không thành công từ 15 đến 20% đối với các trường hợp có biểu hiện của chèn ép tủy và 10 đến 14% đối với các trường hợp chỉ có dấu hiệu của chèn ép rễ.
Những tai biến trong điều trị phẫu thuật bệnh lí thóat vị đĩa đệm cột sống cổ chiếm khỏang 4 đến 6% tổng số các ca mổ ở thời gian trước đây. Việc sử dụng các mảnh ghép nhân tạo và hệ thống nẹp vít mới hiện nay làm cho tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn 3 đến 4%.
Các tai biến chung cho mọi loại phẫu thuật gồm:
- Dị ứng với thuốc tê, thuốc mê và các thuốc khác sử dụng trong khi phẫu thuật. Các phản ứng có thể từ nhẹ như nổi mẩn, đỏ da cho đến nôn ói, chóng mặt hoặc co thắt khí quản gây khó thở… Tỉ lệ các biến chứng này rất thấp, với các loại thuốc đời mới, tỉ lệ khoảng 0,1% (một phần ngàn).
- Trường hợp choáng phản vệ do phản ứng với thuốc tê, thuốc mê và các thuốc khác sử dụng trong khi phẫu thuật có thể dẫn đến chết người, tỉ lệ chung về choáng phản vệ cho các loại thuốc tê, thuốc mê này cũng chỉ dưới 0,1% (một phần ngàn).
- Nhiễm trùng vết mổ là một tai biến hay gặp khi mổ xẻ. tỉ lệ này khoảng dưới 1% trong điều trị phẫu thuật bệnh lí thóat vị đĩa đệm cột sống cổ. Đối với các trường hợp mổ thoát vị đĩa đệm cổ đường trước, nếu không phát hiện và khống chế kịp thời hiện tượng nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng có thể lan xuống trung thất và khi đó sẽ là một thảm họa.
Các tai biến trong và ngay sau khi mổ có thể là:
- Thương tổn mạch máu lớn có thể gây chảy máu khó cầm và có thể gây ra máu tụ vùng cổ, dẫn đến khó thở phải mổ lại hoặc nếu các mạch máu lớn bị thương tổn có thể gây chết người. Loại tai biến này rất hiếm gặp, chỉ được báo cáo rất ít nên không có số liệu thống kê cụ thể.
- Thương tổn rách thực quản là một biến chứng dễ gặp nếu sử dụng hệ thống banh không đạt chuẩn. Với hệ thống banh Caspar (được sử dụng tại Trung tâm EXSON), tai biến này rất ít khi xảy ra. Hiện không có số liệu thống kê cụ thể, tuy nhiên tỉ lệ của tai biến này thấp hơn 0,1% (một phần ngàn) khá nhiều.
- Thương tổn màng tủy gây chảy dịch não tủy (chất dịch nằm trong não và tủy sống), từ đó có thể gây viêm màng não. Nếu áp dụng mổ vi phẫu thuật, tai biến này rất ít khi xảy ra. Tỉ lệ của tai biến này trong các nhóm bệnh nhân được mổ bằng vi phẫu thuật dao động từ 0% đến 0,5% tùy theo trung tâm. Tại Trung tâm EXSON, bệnh lí thoát vị đĩa đệm cột sống cổ được mổ bằng vi phẫu thuật.
- Thương tổn tủy sống hoặc các mạch máu nuôi tủy sống do phẫu thuật, từ đó gây liệt hoặc thậm chí gây ra chết người là các tai biến nặng nề nhất có thể xảy ra. Loại tai biến này rất hiếm gặp, chỉ được báo cáo rất ít nên không có số liệu thống kê cụ thể. Vi phẫu thuật giúp giảm tối đa khả năng xảy ra biến chứng này.
- Những biến chứng lâu dài của mổ thoát vị đĩa đệm cổ có thể gặp là:
- Nuốt nghẹn và sặc là những biến chứng hay gặp nhất. Trong các báo cáo tỉ lệ này có thể lên tới 4% ở năm đầu tiên sau mổ và giảm dần vào các năm tiếp theo.
- Khàn tiếng, mất tiếng và nếu nặng có thể sẽ khó thở nhiều là một biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm. Tỉ lệ của tai biến này trong các báo cáo dao động từ 0% đến 0,1%.
- Nếu sử dụng mảnh ghép có thể xảy ra biến chứng tụt mảnh ghép hoặc gãy vít, từ đó gây ra di lệch nẹp hoặc vít và có thể gây ra các biến chứng thủng thực quản thứ phát nếu không được theo dõi sát và mổ lấy nẹp vít ra đúng lúc. Tại Trung tâm EXSON, nẹp vít được sử dụng là nẹp vít Caspar, có tỉ lệ gãy và tụt vít rất thấp so với các loại khác, tỉ lệ chung dưới 1%. Nếu thay đĩa đệm, về mặt lí thuyết có thể xảy biến chứng đĩa đệm nhân tạo được thay bị tụt ra, tuy nhiên trên thực tế chưa ghi nhận báo cáo về vấn đề này.
- Một số ít bệnh nhân bị đau sau khi mổ. Khoảng 0,2% số người bệnh sau mổ bị đau cổ gáy kéo dài. Đau thể hiện dưới dạng nhức hoặc mỏi hoặc nặng, một số khác mô tả giống như tê rần… Để khắc phục loại đau này thường người bệnh phải tập luyện kéo dài.
- Riêng trường hợp sử dụng mảnh ghép, về lâu dài các đĩa đệm kế cận khu vực bị hàn cứng (bởi việc ghép) sẽ dễ bị thoát vị hơn so với trường hợp thay đĩa đệm nhân tạo (có khớp xoay).
Ngoài các tai biến nêu trên thì có những khó chịu nhất định mà người bệnh sẽ phải chịu đựng sau mổ, những khó chịu này sẽ mất đi trong một khoảng thời gian nhất định:
- Nuốt đau trong 2 đến 3 ngày đầu sau mổ là một khó chịu mà hầu hết bệnh nhân mổ thoát vị đĩa đệm cổ đều gặp phải. Để nhanh chóng hết đau, người bệnh cần nói chuyện và uống nước nhiều lần.
- Nếu sử dụng mảnh ghép, sau mổ người bệnh phải mang nẹp cổ cứng 3 tuần. Sau khoảng 1 tuần đầu mang nẹp, cổ bắt đầu mỏi và sau đó có thể nhức, cảm giác nhức mỏi có thể tăng dần lên cho đến khi bỏ nẹp cổ và tập được khoảng 1 tuần mới hết. Sau khi bỏ nẹp cổ, người bệnh sẽ thấy cứng cổ, cúi ngửa hoặc xoay cổ đều khó khăn hơn trước mổ. Để khắc phục những khó chịu này, người bệnh sẽ phải tập cúi, ngửa, nghiêng và xoay cổ. Trong tuần đầu tiên bắt đầu tập sẽ đau khi tập. Cảm giác cứng cổ sẽ giảm dần rồi hết khoảng 1 đến 2 tháng sau khi bắt đầu tập. Có rất ít các trường hợp bị dị ứng với nẹp cổ thể hiện bằng viêm đỏ hoặc loét vùng da tiếp xúc với nẹp cổ. Trong trường hợp bị dị ứng với nẹp cổ mà không tìm được nẹp thích hợp thay thế, người bệnh cần phải nằm nhiều, hạn chế tối đa ngồi, đứng, đi lại trong 3 tuần đầu sau mổ. Tất cả những vấn đề khó chịu do nẹp cổ mang lại sẽ không có nếu người bệnh được thay đĩa đệm cổ nhân tạo có khớp xoay.
Tóm lại, Phẫu thuật điều trị bệnh lí thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là một phương pháp có tỉ lệ thành công cao, tỉ lệ tai biến thấp. Mặc dù đôi khi có thể xảy ra các tai biến rất nặng nhưng trong đại đa số các trường hợp, việc chỉ định phẫu thuật là thực sự cần thiết vì nếu không mổ, khả năng bệnh diễn tiến nặng cao hơn nhiều so với khả năng tai biến do cuộc mổ gây ra.