Trang chủ » Ưu, nhược điểm của nội soi YES so với các kỹ thuật nội soi khác
Sách Thoái hoá cột sống và Thoát vị đĩa đệm
Mục lục
- (028) 38 570 670
Ưu điểm của nội soi YES so với các kỹ thuật nội soi khác
Nội soi YES là một kĩ thuật có nhiều khác biệt so với các kĩ thuật kể trên. Đường vào của Nội soi YES đi qua lỗ liên hợp để vào khoang liên đốt sống là khoang chứa đĩa đệm. Đây là một đường vào khá đặc biệt vì lỗ liên hợp là một lỗ để cho dây thần kinh từ trong ống sống đi ra ngoài và ngược lại, từ ngoài vào trong ống sống. Lỗ này chỉ có kích thước nhất định nên ống nội soi không thể lớn tùy ý. Ống thao tác (tức là ống to nhất, qua đó người ta đưa ống nội soi vào) chỉ có đường kính ngoài là 7mm, ống nội soi chỉ có đường kính ngoài 5,2 cho đến 5,8mm, trong đó có 3 hoặc 4 kênh (3 hoặc 4 đường ống nhỏ) cho nguồn sáng, camera, dụng cụ và dẫn nước vào vùng mổ.
Trước đây kênh dụng cụ chỉ có đường kính 2,7mm nhưng hiện nay, do có sự cải tiến các ống nội soi của các phương pháp mô phỏng theo Yeung với việc bớt đi một kênh dẫn nước ra (dẫn ra trực tiếp từ ống thao tác) nên đường kính của kênh dụng cụ đã được mở rộng thành 4,2mm. Việc đi qua lỗ liên hợp làm cho góc thao tác được mở rộng, việc thay đổi góc thao tác được xoay quanh lỗ liên hợp và được lỗ liên hợp giữ lại nên ống thao tác và ống nội soi không bị “tụt” ra khỏi khoang liên đốt khi thay đổi góc thao tác. Khi góc thao tác có thể thay đổi được, việc kiểm soát khoang liên đốt sống trở nên dễ dàng hơn.
Ngoài ra, do mọi thứ đều nhỏ bé nên vết mổ và độ xâm lấn của quá trình mổ cũng trở nên rất ít, các vấn đề của người bệnh sau mổ cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.
Tuy nhiên, chính vì sự “nhỏ đi” của cái ống nội soi mà nảy sinh ra nhiều vấn đề.
Một số nhược điểm của nội soi YES
Thứ nhất là về vấn đề trang thiết bị. Giá thành đầu tư ban đầu khá cao do toàn bộ các dụng cụ đều là dụng cụ chuyên biệt, chuyên biệt một cách đặc biệt, chỉ một cây kềm gắp đĩa đệm đã có giá cả trăm triệu đồng Việt nam. Ngoài ra chi phí khấu hao cũng rất lớn do các dụng cụ nhỏ như vậy rất dễ bị hư hỏng nên thời hạn sử dụng ngắn. Rồi các chi phí tiêu hao (những gì chỉ sử dụng một lần hoặc cho một bệnh nhân rồi thôi) cũng tăng cao do việc áp dụng các kĩ thuật cao khác như sóng radio cao tần, mũi mài cao tốc, đầu đốt điện cao tần (lưỡng cực, không phải sóng radio cao tần)… làm cho chi phí tiêu hao tăng lên rất cao, hiện nay những chi phí này ở Việt Nam có thể lên tới trên 15 triệu đồng cho một ca mổ. (chi phí tại thời điểm viết sách này)
Một nhược điểm nữa là đây là một phương pháp sử dụng những dụng cụ hoàn toàn mới với một đường tiếp cận cũng hoàn toàn mới nên việc đào tạo một phẫu thuật viên sẽ mất khá nhiều thời gian và công sức, chưa kể nếu thực hiện việc đào tạo tại Hoa kì, nơi mà cái gì cũng phải được tính bằng tiền, chi phí đào tạo sẽ rất lớn, có thể nói chi phí cho một khóa đào tạo đôi khi còn lớn hơn chi phí của một năm học đại học.
Có lẽ do các nhược điểm này mà Nội soi YES hiện nay mặc dù được phát triển rộng rãi ở nhiều nước tiên tiến như Mỹ, châu Âu, Nhật bản, Hàn Quốc… nhưng lại chưa phát triển nhiều ở những nước đang phát triển. Ở các nước đang phát triển hiện nay ngoài Trung quốc và một số nước châu Mỹ La Tinh thì còn ít nước áp dụng được kĩ thuật này. Ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt nam thì từ giữa năm 2008, Thái Lan đã áp dụng kĩ thuật này dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các bác sĩ người Đức.
Như vậy Nội soi YES có nhược điểm là chi phí đầu tư, chi phí khấu hao, chi phí tiêu hao và chi phí đào tạo rất lớn, từ đó làm tăng giá thành của cuộc mổ, ngoài ra khả năng đào tạo cũng khó khăn hơn nhiều so với các phương pháp khác nhưng ngược lại kĩ thuật này mang lại những lợI ích vô cùng lớn cho ngườI bệnh vì mức độ xâm lấn thật sự rất nhỏ và khả năng giải quyết cũng như phạm vi ứng dụng rất lớn.