Trang chủ » Làm gì khi nhận được đề nghị mổ từ bác sĩ?
Sách Thoái hoá cột sống và Thoát vị đĩa đệm
Mục lục
- (028) 38 570 670
Trong đa số các trường hợp, khi nghe bác sĩ đề nghị mổ, Quí Vị cảm thấy thế giới sụp đổ, cuộc đời sao mà bất hạnh, nghiệt ngã, mọi thứ như đang chuẩn bị chấm hết đối với mình. Suy nghĩ đầu tiên đến với Quí Vị là những biến chứng của cuộc mổ, của việc gây mê và về đủ thứ mà Quí Vị nghe nói về cuộc mổ. Tiếp theo là suy nghĩ về những chi phí mà mình sẽ phải trang trải cho cuộc mổ. Rồi cả những thắc mắc về vị Bác sĩ, người đã đề nghị mình chấp nhận cuộc mổ. Liệu ông ta có đúng hay không, ông ta chỉ định đã đúng chưa? Có tin được trình độ của ông ta hay không? Ông ta có vô tư khi chỉ định mổ không hay muốn kiếm chác gì đó từ cuộc mổ của mình? Rồi ông ta có đủ khả năng để mổ cho mình an toàn không? Vân vân và vân vân…
Xét về một mặt nào đó, mổ là một cuộc đánh đổi giữa việc hết bệnh và việc nhận lấy một nguy cơ có thể xảy ra các biến chứng cũng như các ảnh hưởng về sau của cuộc mổ. Do đó, khi cân nhắc có nên mổ hay không, về mặt khoa học, các bác sĩ thường đặt lên bàn cân hai vế, nếu mổ thì được cái gì, mất cái gì, xấu nhất là gì và tốt nhất là gì, vế thứ hai là nếu không mổ thì mất gì, không mất gì, xấu nhất là gì và tốt nhất là gì. Nếu thấy mổ có khả năng lời thì mới quyết định mổ, còn nếu chỉ từ hòa vốn đến lỗ thì chẳng ai dám quyết định mổ cả. Trong đa số trường hợp, các bác sĩ giúp người bệnh nhận được phần lời nhưng đôi khi không may, Quí Vị phải nhận phần thiệt thòi.
Đa số người bệnh đều sợ khi được đề nghị mổ vào cột sống vì sợ rằng cuộc mổ sẽ dẫn đến những biến chứng có thể gây liệt, phải nằm một chỗ hoặc thậm chí gây chết người. Nhưng gần như ít ai ý thức được rằng nếu không mổ, khả năng bị liệt phải nằm một chỗ hoặc mất chức năng (không đi lại được, không làm việc được…) sẽ cao hơn nhiều so với khả năng bị liệt hoặc mất chức năng do phẫu thuật gây ra.
Ngoài ra, cũng nên nhìn nhận biến chứng dưới một góc độ khác. Hàng ngày Quí Vị phải đi làm việc, đi chơi, đi chỗ này chỗ khác. Quí Vị có thể đi bộ, đi xe gắn máy, xe hơi hoặc các đại gia có thể vi vu trên mây trên máy bay riêng hoặc lả lướt ngoài biển trên những du thuyền sang trọng. Thường thì Quí Vị đi, đến, làm việc hoặc chơi hoặc gì gì đó rồi trở về và sau đó lại cứ như vậy, chẳng có chuyện gì xảy ra. Nhưng vào một ngày không được đẹp trời nào đó, cái dòng chuyển động như trên bị ngắt quãng, một điều gì đó không hay xảy ra làm đảo lộn các dự tính. Điều này có thể xảy ra cho bất cứ ai, đi trên bất cứ phương tiện gì. Biến chứng của mổ cũng vậy, không bác sĩ nào lập chương trình cho biến chứng, nếu biết chắc chắn có biến chứng xảy ra thì chắc chắn sẽ không có cuộc mổ.
Biến chứng chiếm một tỉ lệ nhất định đối với từng loại phẫu thuật nhưng chắc chắn tỉ lệ đó phải thấp hơn nhiều so với xác suất thành công của loại phẫu thuật đó. Hơn nữa, ngoài các biến chứng chung của mọi loại phẫu thuật, đa số các biến chứng thần kinh của mổ cột sống đều có thể là tương lai của Quí Vị nếu Quí Vị không chấp nhận cuộc mổ, có nghĩa là nếu Quí Vị không chấp nhận cuộc mổ, gần như cầm chắc là trong tương lai tình trạng của Quí Vị sẽ giống như cái biến chứng mà Quí Vị đang lo lắng sẽ xảy ra sau mổ.
Để hạn chế tối đa những thiệt hại có thể xảy đến cho mỗi chúng ta khi nằm trên bàn mổ, Quí Vị nên đặt ra những câu hỏi thiết yếu cho bác sĩ của mình:
- Tại sao phải mổ?
- Có thể có cách điều trị nào ngoài mổ không?
- Mục đích của cuộc mổ?
- Có thể đạt được cái gì khi mổ? Trường hợp tốt nhất là như thế nào?
- Có thể có những biến chứng gì? Trường hợp xấu nhất là như thế nào?
- Xác suất xảy ra các biến chứng khoảng bao nhiêu?
- Chi phí dự tính (có thể phải dự tính cả chi phí khi có biến chứng xảy ra)?
- Nếu được, nên yêu cầu bác sĩ mô tả qua về cuộc mổ mà mình sắp tham gia vào.
Khi Quí Vị biết càng nhiều về cuộc mổ, Quí Vị càng vững tâm hơn khi bước lên bàn mổ. Cũng có người cho rằng biết càng nhiều về biến chứng càng lo sợ hơn, ảnh hưởng không tốt đến cuộc mổ. Đây là một quan niệm sai lầm