Trang chủ » Điều trị phẫu thuật hẹp ống sống cổ
Sách Thoái hoá cột sống và Thoát vị đĩa đệm
Mục lục
- (028) 38 570 670
Khi ống sống cổ bị hẹp do các yếu tố liên quan đến quá trình thoái hóa gây ra, tủy và các dây thần kinh bị chèn ép và gây ra hiện tượng chèn ép tủy hoặc chèn ép dây thần kinh. Nếu đã có triệu chứng của chèn ép tủy trên lâm sàng (do bác sĩ thăm khám thấy) hoặc triệu chứng của chèn ép dây thần kinh nhưng điều trị đúng cách dài ngày (ít nhất là 3 tuần) không thuyên giảm thì người ta đặt vấn đề điều trị phẫu thuật.
Mổ hẹp ống sống cổ nhằm mục đích làm cho bức tường sau của ống sống được mở rộng ra hoặc được phá bỏ, giúp cho tủy sống và các dây thần kinh được giải phóng. Các tác giả châu Âu thường lựa chọn hình thức cắt bỏ cung sau của các đốt sống cổ, còn các tác giả Nhật lại thiên về tạo hình mở rộng ống sống.
Người bệnh được gây mê toàn thân và được đặt nằm sấp, đầu được cố định vào một hệ thống khung sao cho chắc chắn để không bị lắc khi mổ. Da được mở từ phía sau, ngay đường giữa, cơ được bóc tách sang hai bên, để lộ ra toàn bộ phần xương phía sau của ống sống cổ. Nếu áp dụng phương pháp cắt cung sau thì toàn bộ bản sống (phần xương che phía sau tủy sống) được cắt bỏ, sau đó khi khâu cơ lại, màng tủy tiếp xúc trực tiếp với cơ. Khi đó bức tường cứng bằng xương đã được phá bỏ, cơ đàn hồi nên tủy vẫn có chỗ để phồng ra và hết bị chèn ép. Nếu áp dụng phương pháp tạo hình mở rộng ống sống, phần cung sau sẽ được cắt rời ra ở một bên hoặc ở giữa, mép cắt được banh ra và mảnh ghép được chêm vào để mép cắt không khép trở lại được. Như vậy chu vi của ống sống được tăng lên dẫn đến kích thước chung của ống sống được tăng lên và tủy không còn bị chèn ép.
Sau khi làm rộng được ống sống, cơ và da được khâu lại. Người bệnh thường phải mang nẹp cổ trong thời gian 3 đến 6 tuần sau mổ và phải thực hiện một chế độ tập luyện tích cực trong một khoảng thời gian nhất định.