Trang chủ » Các phương pháp điều trị bảo tồn cho bệnh lí đau thắt lưng và thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Sách Thoái hoá cột sống và Thoát vị đĩa đệm
Mục lục
- (028) 38 570 670
Điều trị bảo tồn là gì?
Điều trị bảo tồn là các phương pháp điều trị không mổ xẻ, không cắt bỏ. Trước đây, người ta quan niệm mổ luôn luôn có nguy cơ cao hơn không mổ. Tuy nhiên, điều này không phải luôn luôn đúng, nhất là khi áp dụng những liệu pháp có liên quan đến tia xạ hoặc các thuốc có độc tính cao.
Nằm nghỉ là phương pháp được áp dụng trong trường hợp đau cấp, có giá trị đặc biệt trong các trường hợp chỉ có đau thắt lưng đơn thuần do thoát vị đĩa đệm ở vùng này gây ra. Các nghiên cứu cho thấy áp lực trong đĩa đệm thấp nhất ở tư thế nằm. Khi nằm nghỉ, cột sống không phải chịu lực, áp lực giảm xuống cả ở khu vực bên trong và bên ngoài đĩa đệm, các mạch máu không bị dồn nén, không căng phồng, hiện tượng chèn ép giảm xuống và người bệnh không còn đau. Tuy nhiên người ta không thể nằm mãi được.
Xoa bóp cũng là một phương pháp điều trị cho bệnh lí đau thắt lưng và thoát vị đĩa đệm thắt lưng, đồng thời cho cả đau cổ gáy và thoát vị cổ. Ở nhiều nước còn có cả các hội xoa bóp qui tụ các nhà xoa bóp mà phần đông là các bác sĩ. Việc xoa bóp giúp làm giãn cơ, tăng lưu thông máu ở khu vực đau, từ đó làm giảm hiện tượng viêm và giảm đau. Ngoài ra, xoa bóp đôi khi cũng giúp làm giảm áp lực bên trong đĩa đệm, từ đó làm giảm chèn ép và bớt đau.
Các phương pháp dùng nhiệt như hồng ngoại, đắp nóng, đệm nóng… cũng có chung một nguyên tắc giống như các phương pháp bảo tồn khác là tăng lưu thông máu ở khu vực bị thương tổn, từ đó làm giảm hiện tượng viêm do thải được các chất độc ứ đọng ở khu vực thương tổn. Tuy nhiên các phương pháp dùng lạnh lại dựa trên nguyên tắc ngược lại: làm giảm lưu lượng máu đến chỗ thương tổn để chống hiện tượng phù nề. Phương pháp làm lạnh cho kết quả tức thời nhưng sau đó, do không có máu chuyên chở các chất độc đi, chúng bị ứ đọng tại khu vực thương tổn rồi lại gây viêm và đau tăng.
Các phương pháp mang tính cơ học như kéo dãn cột sống lưng, kéo cột sống cổ nhằm làm giảm áp lực trong đĩa đệm, từ đó làm giảm chèn ép và giảm đau.
Các phương pháp dùng ion, từ trường… cũng có những tác dụng nhất định do các phản ứng lí hóa tác động vào các khâu viêm, co cứng cơ… của khu vực bị thương tổn, từ đó làm giảm chèn ép và giảm đau.
Dùng thuốc qua da
Dùng thuốc qua da là dùng các thuốc chích vào các khu vực đau nhằm làm giảm hiện tượng viêm hoặc làm gián đoạn dẫn truyền cảm giác đau để người bệnh không còn nhận thấy đau nữa. Có một số loại kháng viêm được dùng để chích ngay vào chỗ thương tổn, làm giảm đi hiện tượng viêm, từ đó giảm đau. Phương pháp này thường cho kết quả ban đầu khá tốt nhưng về lâu dài có thể có nhiều vấn đề do những tác dụng không mong muốn của thuốc gây ra như teo mô (teo da, teo cơ…), thương tổn thần kinh, dây chằng… Để thực hiện việc này, người thầy thuốc phải có kiến thức rất sâu về thần kinh, về đau, cũng như về thuốc.
Việc phong bế cảm giác đau do dùng một số thuốc tê, cô lập các hạch thần kinh dùng để chuyển cảm giác đau về não cũng là một cách hay được dùng. Ngoài ra, có một biện pháp đơn giản hơn là dùng một loại bơm tiêm tự động đã được lập trình sẵn, luồn kim vào vị trí mong muốn rồi để cho bơm tiêm tự động bơm thuốc, chủ yếu là các thuốc giảm đau, vào cơ thể theo một chu kì thời gian nhất định.
Giảm áp đĩa đệm qua da là các phương pháp sử dụng một kim chích qua da, qua đó, người ta đưa vào khu vực thương tổn thứ gì đó để làm cho thể tích của đĩa đệm nhỏ lại, từ đó làm giảm chèn ép và giảm đau. “Thứ gì đó” có thể là một loại hóa chất có thể làm tiêu hủy nhân nhầy như papain, chất chiết xuất từ đu đủ, hoặc đốt cháy và làm bốc hơi nhân nhầy như laser, hoặc vừa đốt cháy, vừa làm co nhỏ nhân nhầy như sóng radio cao tần. Các phương pháp này đều có chung một mục đích là làm cho áp lực trong đĩa đệm giảm xuống, từ đó hi vọng khối thoát vị co nhỏ lại, làm mất đi hiện tượng chèn ép, từ đó làm giảm phù nề, giảm viêm và giảm đau.
Khoảng những năm 70 của thế kỉ 20, tiêm papain, chất chiết xuất từ đu đủ vào đĩa đệm là một phương pháp được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, sau một thời gian người ta không dám dùng vì tỉ lệ tai biến khá cao do papain thoát ra, tiêu hủy cả thần kinh và các cấu trúc lành khác. Ở một số nước, phương pháp này đã bị cấm.
Đến khoảng những năm 90 của thế kỉ 20, phương pháp dùng laser đốt cháy một phần nhân nhầy đã thu hút được sự chú ý của công chúng. Tuy nhiên, sau một thời gian, sức hút của phương pháp này không còn lớn do khả năng tái phát cao. Hiện nay, đa số các bác sĩ đã từng ủng hộ kĩ thuật này đã thay đổi quan điểm và chuyển sang các phương pháp khác do khả năng tái phát quá cao mặc dù đã được chỉ định một cách hết sức chọn lọc.
Một phương pháp có chung nguyên lí với laser qua da là dùng sóng radio cao tần để đốt cháy một phần đĩa đệm, đồng thời làm co nhỏ phần đĩa đệm còn lại làm giảm hiện tượng chèn ép, từ đó giảm đau. Phương pháp này ra đời sau phương pháp sử dụng laser vài năm nhưng rồi cũng chỉ nhận được sự chào đón ban đầu, sau đó cũng ít được các thầy thuốc nhắc đến.
Một phương pháp nữa mới có gần đây nhưng không gây được tiếng vang như laser hay sóng radio cao tần. Người ta dùng ozon để đưa vào các mô ở các khu vực có thương tổn. Mặc dù đây là phương pháp mới nhưng với những gì mà laser và sóng radio cao tần để lại cho lịch sử đã làm cho ozon không được chào đón, thậm chí còn bị nghi ngờ bởi cả những thầy thuốc trước đây đã ủng hộ cho những phương pháp giảm áp đĩa đệm qua da khác.
Tất cả các phương pháp giảm áp qua da nêu trên đều chỉ có một mục tiêu là giảm áp đĩa đệm và chỉ giảm áp mà thôi. Và, như một tuýp kem đánh răng, khi thuốc chưa được bóp ra hết mà có gì đó đè lên vỏ tuýp, phần kem đánh răng còn lại sẽ thoát ra tiếp tục cho đến hết thì thôi. Những giải pháp nửa vời thường chỉ cho ra được những kết quả lửng lơ mà thôi.